Trung QuốcGần 1,8 triệu người dùng Weibo theo dõi hành trình chữa nCoV của Xiaowu, 25 tuổi, sống tại Vũ Hán, từ lúc phát bệnh đến khi xuất viện.
Trong nhật ký của mình, Xiaowu kể, tối 19/1, anh bắt đầu nhận thấy những triệu chứng của nCoV. Hai ngày sau, anh bắt đầu ho dữ dội, có đờm đỏ. Anh và gia đình đã nhiều lần đến các bệnh viện để kiểm tra nhưng đều không được nhận do không có giường bệnh nào trống. Xiaowu được bác sĩ kê đơn thuốc và yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Ngày 23/1, các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn. Xiaowu tuyệt vọng và kể lại câu chuyện của mình lên mạng xã hội Weibo và gắn thẻ nhiều kênh truyền thông đại chúng nổi tiếng ở Trung Quốc. Anh hi vọng cộng đồng có thể giúp đỡ anh được nhập viện.
Chỉ sau một đêm, câu chuyện của Xiaowu bất ngờ nhận được hơn 90.000 lượt chia sẻ. Hai ngày sau anh được chuyển đến bệnh viện Vũ Hán.
“Nhật ký Vũ Hán” được người dùng mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau từ các bài viết đến hình ảnh, phim. Ảnh: China Daily.
“Hôm nay tôi không sốt. Thử thách lớn nhất trong ngày là chạy oxy và uống thuốc. Có quá nhiều loại thuốc. Bố mang thuốc đến cho tôi, ông để ở cửa rồi bước đi. Tôi chờ ông ấy đi hẳn rồi mới ra lấy. Có những loại thuốc khá đắt. Mục tiêu của tôi bây giờ là cố gắng tuân thủ chế độ điều trị và theo dõi sức khoẻ của mình”, Xiaowu viết ngày 1/2.
Những ngày sau, bệnh nhân 25 tuổi tiếp tục cập nhật về tình hình sức khoẻ của mình. Anh cũng kể lại những câu chuyện về cuộc sống trong bệnh viện, về những bệnh nhân xung quanh, những y bác sĩ đang hối hả chống lại dịch bệnh. Trong một số bài, Xiaowu còn ghi lại những kinh nghiệm về chế độ ăn uống, thuốc thang, chi phí khám chữa bệnh cần thiết. Mỗi bài viết của anh đều nhận được sự theo dõi của hàng triệu người. Dưới phần bình luận, mọi người đều động viên và chúc Xiaowu nhiều sức khoẻ. Một số người để lại câu hỏi thắc mắc cũng được anh trả lời chi tiết vào hôm sau.
Trong các bài viết, Xiaowu luôn cảm ơn tình cảm của những người xa lạ trên Internet dành cho mình. Anh cũng hi vọng những thông tin mình gom góp được trong quá trình điều trị sẽ như một tài liệu tham khảo hữu ích cho mọi người.
Một trạng thái của Xiaowu về tình trạng sức khoẻ và cuộc sống trong thời gian chữa trị nCoV trong tài khoản Weibo.
“Hôm nay tôi nghe tin giám đốc bệnh viện Vũ Xương, Liu Zhiming qua đời do nhiễm nCoV khi đang chiến đấu với dịch bệnh. Tôi đang cảm thấy rất nặng nề. Trong một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều, tôi mơ thấy mình đến siêu thị và đồ ăn đã được chất đầy kệ hàng. Tôi đã mua rất nhiều đồ cho đến khi tỉnh giấc. Hi vọng dịch bệnh này nhanh chóng qua đi”, Xiaowu viết vào ngày 18/2.
Ngày 7/3, kết quả xét nghiệm của Xiaowu cho kết quả âm tính với nCoV, kết thúc hơn một tháng điều trị. Trước đó một ngày, anh còn được cộng đồng mạng sắp xếp cho một chiếc taxi đi từ nhà đến bệnh viện để làm xét nghiệm cuối cùng.
Xiaowu tiếp tục đăng nhật ký về công việc, cuộc sống quanh mình và cách mọi người đang vượt qua Covid-19. “Tôi sẵn sàng ghi lại cuộc sống hàng ngày để giúp người khác biết được tình hình thực tế ở Vũ Hán”, Xiaowu viết trong một bài đăng với hashtag “Nhật ký Vũ Hán”.
Ý tưởng ghi lại nhật ký Vũ Hán trong những ngày “phong thành” vì nCoV không phải mới. Nhiều nhà văn, nhiếp ảnh gia các đoàn làm phim bị kẹt lại thành phố đã bắt đầu kể lại câu chuyện của mình theo nhiều các khác nhau.
“Từ những chia sẻ của người bệnh, nhân viên y tế, tình nguyện viên, nhân viên cộng đồng trên mạng xã hội, những người sống ngoài Vũ Hán có thể hình dung ra một bức tranh tương đối hoàn thiện về những gì đang diễn ra trong thành phố”, một người bình luận.
Video ‘Đêm trường Vũ Hán’ gây bão mạng xã hội Trung Quốc
Video “Đêm trường Vũ Hán” từng gây bão mạng xã hội Trung Quốc. Video: Xie Dan.
Ứng dụng khai báo y tế liên quan đến dịch Covid-19 đạt một triệu lượt tải và hơn 500 nghìn lượt khai báo sau gần 10 ngày ra mắt.
Tính đến trưa ngày 18/3, ứng dụng NCOVI đã đạt 1.040.000 lượt tải trên các kho ứng dụng, số bản ghi khai báo y tế tự nguyện là 550.000, theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
NCOVI và Vietnam Health Declaration là hai ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện dành cho người Việt Nam và khách nhập cảnh ra mắt ngày 9/3. Dựa trên dữ liệu được người dùng chia sẻ, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để hỗ trợ nhanh nhất.
Các ứng dụng khai báo sức khỏe và theo dõi tình hình Covid-19 được người Việt quan tâm.
Sau khi ra mắt, ứng dụng NCOVI liên tục là ứng dụng được tải về nhiều trên hai kho ứng dụng dành cho iPhone và Android. Đến trưa ngày 20/3, NCOVI là ứng dụng được tải về nhiều nhất ở hạng mục Sức khỏe, và đứng thứ ba trên App Store ở Việt Nam, còn trên Google Play, đây cũng là ứng dụng Y tế phổ biến hàng đầu.
Trong một tháng qua, bảng xếp hạng ứng dụng cho smartphone tại Việt Nam liên tục thay đổi. Trước đây, các ứng dụng mua sắm, mạng xã hội, liên tục dẫn đầu, nay đã nhường chỗ cho các ứng dụng khai báo sức khỏe và ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà. Trong khoảng một tuần qua, ứng dụng dẫn đầu trên các bảng xếp hạng app được tải về nhiều nhất là Zoom Cloud Meetings – ứng dụng phòng họp ảo được nhiều công ty và trường học ứng dụng để hỗ trợ việc họp và học tại nhà.
Bên cạnh NCOVI và Vietnam health declaration, một số ứng dụng khác như Sức khỏe Việt Nam (của Bộ Y tế), Hà Nội Smartcity (của TP Hà Nội) cũng được khuyên cài để có thể theo dõi được tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh lây lan một cách hiệu quả nhất.
Một số mẫu Galaxy S20 gặp lỗi tự khởi động khi đang sử dụng, chủ yếu là các model chạy chip Exynos.
Trên XDA Developers, Reddit, mạng xã hội cũng như trang diễn đàn cộng đồng của Samsung, người dùng cho biết Galaxy S20 (gồm Galaxy S20, S20+ và S20 Ultra) của họ thường xuyên tự khởi động khi đang thao tác. Vấn đề này dễ xảy ra nếu rút cáp khi đang sạc hoặc rút tai nghe. Một số dự đoán cho rằng, sự cố có thể liên quan đến cổng USB Type C. Tuy nhiên, số khác cho biết tình trạng khởi động lại vẫn xảy ra dù máy không cắm bất kỳ cáp nào.
Galaxy S20 gặp lỗi tự khởi động
Lỗi tự khởi động trên Galaxy S20+ 5G. Video: Jin Gyu Chong.
Video đăng trên YouTube bởi tài khoản Jin Gyu Chong cũng cho thấy, chiếc Galaxy S20+ 5G của người này tự động tắt dù chỉ mới thao tác vuốt màn hình. Hầu hết người bị ảnh hưởng cho biết đang dùng biến thể chạy chip Exynos.
Samsung chưa đưa ra bình luận nào. Trên trang hỗ trợ Samsung châu Âu, một đại diện cho biết công ty đã ghi nhận sự cố và sắp phát hành bản vá mới “trong thời gian gần”, nhưng không đề cập thời gian cụ thể.
Trước đó, Galaxy S20 cũng gặp lỗi liên quan đến GPS, khả năng lấy nét tự động với cảm biến chính 108 megapixel trên Galaxy S20 Ultra, cũng như tốc độ và hiện trạng quá nhiệt khi sử dụng sạc không dây. Tuy nhiên, hãng điện tử Hàn Quốc cho biết sẽ khắc phục tất cả vào bản cập nhật tiếp theo.
Năm nay, Samsung thay đổi cách phân phối Galaxy S20 dựa trên phiên bản chip tại một số thị trường. Các model chạy Snapdragon 865 sẽ được bán tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Mỹ, trong khi phiên bản cho châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam dùng Exynos 990. Theo truyền thống trước đó, các phiên bản Galaxy S và Note cho thị trường Hàn Quốc vẫn dùng chip Exynos.
Theo BusinessKorea, việc trang bị chip Snapdragon 865 ngay trên “sân nhà” của mình khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Một số chuyên gia thậm chí nghi ngờ chip “cây nhà lá vườn” này không đủ mạnh như sản phẩm Qualcomm, khiến hãng không tự tin trang bị cho Galaxy S20 tại Hàn Quốc như trước.
Từ 18/3, mỗi người chỉ có thể mua tối đa hai sản phẩm cùng loại trên cửa hàng online của Apple.
Theo CNBC, chính sách hạn chế được áp dụng với điện thoại iPhone 8, iPhone 8 Plus, iPhone XR, iPhone 11, iPhone 11 Pro, iPhone 11 Pro Max và các mẫu máy tính bảng iPad Pro 11 inch và iPad Pro 12,9 inch mới. Người dùng có thể mua nhiều hơn hai chiếc iPhone trong một đơn hàng nhưng phải là các mẫu khác nhau.
Động thái trên cho thấy Apple đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do ảnh hưởng của Covid-19. Từ tháng 2, hãng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn. Các đối tác lắp ráp iPhone đã mở cửa nhà máy trở lại, nhưng tốc độ khôi phục dây chuyền sản xuất chậm so với dự kiến.
Bộ ba iPhone 11 trưng bày trong cửa hàng Apple Store Marunochi ở thành phố Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: CNBC.
Người dùng có nhiều lý do để mua nhiều hơn hai iPhone cùng lúc. Tuy nhiên, Apple đang chật vật để đáp ứng đủ đơn hàng cho đại lý bán lẻ tại các “thị trường xám”, nơi hãng không được trực tiếp phân phối sản phẩm. Dù vẫn duy trì các cửa hàng trực tuyến, Apple phải đóng cửa vô thời hạn chuỗi Apple Store trên toàn cầu, trừ Trung Quốc, để ngăn dịch bệnh lan rộng.
Ngày 19/3, Trung Quốc tuyên bố tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Nhiều nhà máy ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại.
Nhà phân tích Gene Munster (Loup Ventures) dự đoán, dây chuyền sản xuất của các đối tác gia công thiết bị cho Apple có thể sớm đạt công suất bình thường.
Apple từng hạn chế mua thiết bị, thường ở khoảng thời gian đầu sản phẩm ra mắt. Năm 2007, họ giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa hai iPhone. “Do hạn chế về nguồn cung và mức độ phổ biến của một số sản phẩm, chúng tôi có thể phải giới hạn số lượng bán ra và nỗ lực tăng sản lượng nhanh nhất có thể”, Apple cho biết.